Mạng bán tour trực tuyến số 1 tại Việt Nam | Du lịch Travelsgcc

Avatar of Admin

Admin

Cẩm nang du lịch - 26/10/2023 - 897 Lượt xem

Vẻ đẹp cổ tích của hồ thảm họa

Dưới màu nước xanh ngọc lục bảo là câu chuyện bi thương bởi hồ Attabad được tạo thành sau thảm họa thiên nhiên.

Vẻ đẹp cổ tích của hồ Attabad

Pakistan có nhiều hồ nước đẹp, như hồ Borith nằm ở độ cao 2.600 m so với mực nước biển, hay hồ sông băng Passu giữa núi non trùng điệp… Nhưng ít có hồ nào chứa trong nó cả vẻ đẹp và sự tan hoang như hồ Attabad. Tháng 1/2010, trận động đất lớn đã xảy ra ở thung lũng Hunza, vùng Gilgit Baltistan, cách thủ đô Islamabad khoảng 760 km.

Sau cơn nổi giận của thiên nhiên khiến núi non sạt lở lớn, địa chất khu vực nhanh chóng thay đổi. Ngôi làng Attabad bị chôn vùi trong lòng đất, khoảng 6.000 người buộc phải di dời. Hơn 20 km cao tốc Karakoram, con đường duy nhất kết nối vùng đất xa xôi với bên ngoài, bị hư hại. Khu vực thoát nước của sông Hunza bị phá hủy. Dòng nước vì thế nhanh chóng bị chặn lại và đạt đến độ sâu tối đa. Hồ Attabad thẳm xanh ngọc lục bảo được tạo ra từ sự tàn phá đó.

Vẻ đẹp cổ tích của hồ thảm họa

Hồ Attabad liên tục được mở rộng. 5 tháng sau thảm họa, hồ đã dài khoảng 21 km, nép mình dọc theo những dãy núi trong thung lũng hẹp Hunza như một con rắn khổng lồ màu xanh ngọc. Không gian non nước tạo nên vẻ đẹp ngoạn mục cho thung lũng Gilgit, trở thành sức hút mới đối với khách du lịch khi tới Pakistan. Người dân bắt đầu xây dựng khách sạn và nhà nghỉ xung quanh hồ, với nhiều hoạt động giải trí khác nhau như chèo thuyền, câu cá…

Nhưng đối với những người bị ảnh hưởng trong cơn thảm họa, thực tế không hoàn toàn đẹp như tranh vẽ.

Vẻ đẹp cổ tích của hồ thảm họa

Thảm họa Attabad đã nhấn chìm bốn ngôi làng, Ainabad, Shishkat, Gulmit và Gulkin. Các vườn táo với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, các di tích Phật giáo, nhà thờ Hồi giáo, đền đài và những ngôi nhà gỗ được chạm khắc tỉ mỉ đều bị trôi theo dòng nước. Quân đội đã sơ tán người dân địa phương, di chuyển họ đến các thung lũng khác.

Khi đường cao tốc bị ngập, các phương tiện, hành khách và hàng hóa phải băng qua mặt nước trên những chiếc thuyền gỗ. Mặc dù chuyến đi này có thể là trải nghiệm thú vị cho khách du lịch, với những người lái xe tải hay dân địa phương, đó thực sự là một rắc rối lớn.

Năm năm sau, đường cao tốc Karakoram được tu sửa và chuyển hướng dọc theo bờ hồ. Cuộc sống của người dân hiện bắt đầu trở về như cũ.

Vẻ đẹp cổ tích của hồ thảm họa

Thung lũng Hunza được du khách ví là thiên đường trên Trái đất, với khung cảnh yên bình, núi non hùng vĩ. Nằm ở độ cao 2.438 m, nơi đây có thể hạ nhiệt độ dưới 0 độ C, có tuyết vào mùa đông. Mùa du lịch ở đây bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10.

Để tới được thung lũng Hunza, du khách có thể bắt chuyến bay tới Islamabad, thủ đô của Pakistan. Từ đây, khách có thể chọn chuyến bay thẳng tới sân bay Gilgit và lái xe 2-3 tiếng tới thung lũng. Có nhiều dịch vụ cho thuê xe ở đó. Ngoài cách trên, ngồi xe khách 24 tiếng cũng là cách tới thung lũng. Du khách có thể vừa ngắm được cảnh đẹp trên hành trình của mình.

 

Bạn có thể quan tâm :

Himeji – Lâu đài Hạc Trắng

Ngôi làng ở Na Uy có tên gọi gồm 1 ký tự

Chùa Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á

Cung đường tuyết ‘mái nhà Nhật Bản’

Thẻ:,

Bài viết liên quan

Translate »