Mạng bán tour trực tuyến số 1 tại Việt Nam | Du lịch Travelsgcc

Avatar of Truong Khanh

Truong Khanh

Cẩm nang du lịch - 26/10/2023 - 347 Lượt xem

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ

Các loại bánh ngọt của người Khmer luôn có màu sắc bắt mắt và hương vị lôi cuốn. Chúng thường xuất hiện trong những dịp quan trọng và khiến những thực khách phải thòm thèm.
Vào các dịp lễ tết, đồng bào Khmer Nam Bộ thường làm rất nhiều loại bánh cổ truyền. Bánh làm xong được đựng trong các gói (giỏ đan bằng lá dừa) để đưa vào chùa tặng các vị sư sãi hoặc tặng gia đình, hàng xóm láng giềng…Hãy cùng Wanderlust Tips tìm hiểu qua những loại bánh phổ biến của người Khmer nhé.

Bánh củ gừng “Nùm Khnhây”

Bánh củ gừng (nùm khnhây) là loại bánh được phụ nữ Khmer Nam Bộ ưa chuộng. Nguyên liệu chính của loại bánh này là gạo nếp hạt to, trứng gà, đường. Bột nếp được quết nhuyễn trộn cùng trứng gà được đánh dậy. Bánh được nắn thành nhiều hình dạng khác nhau xong đem chiên và ngào đường. 
7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips

Bánh củ gừng ngào đường

Vào ngày lễ cổ truyền như lễ Dolta, Tết Chol Chnam Thmay…hầu như không thể thiếu ba loại bánh (nùm) ngọt cổ truyền để bày lên bàn thờ, đó là bánh củ gừng (nùm khnhây), bánh quạt (nùm plach) và bánh bông lan (nùm pel). Ba món bánh được xâu kết vào nhau thành hình dáng ngôi tháp Khmer.

Cốm dẹp “Ombok”

Cũng như món bánh củ gừng, cốm dẹp là một món ăn cổ truyền mang tính đặc trưng dân tộc Khmer Nam Bộ. Đây là loại bánh không thể thiếu trong lễ hội “Okang bok”– một hội lễ gắn với chu trình trồng trọt các loại ngũ cốc và cầu mùa màng.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Người đàn ông Khmer đang chuẩn bị cốm dẹp cho ngày lễ Okang Bok

Món cốm dẹp được làm từ những hạt lúa non mới gặt còn thơm ngát, đem rang lên có ngào thêm nước quả thốt nốt.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Cốm dẹp được rang lên và ngào với quả thốt nốt

Cốm dẹp vừa ngọt vừa béo, nếu ai dùng qua một lần sẽ nhớ mãi hương vị hiếm có từ món ăn đặc sản của đồng bào Khmer.

Bánh lá dứa “Ọm chiếl”

Loại bánh này còn được gọi là bánh rây hay bánh lá dứa. Những cái tên này xuất hiện do thói quen đặt tên dựa trên nguyên liệu của người Việt.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh lá dứa “Ọm chiếl” nổi tiếng của người Khmer

Để làm ra được một mẻ bánh hấp dẫn, người đầu bếp cần phải dùng nguyên liệu ngon nhất. Mỗi người thợ bánh có tỷ lệ pha trộn khác nhau.

Gạo thơm trộn cùng gạo tài nguyên cũ, ngâm trong nước bốn tiếng. Gạo vớt ra, vo sạch, ngâm với nước lá dứa năm đến mười phút để màu lá dứa ngấm vào rồi đem đi xay thành bột. 

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh lá dứa được “biến tấu” theo phong cách người Việt

Sau khi để bột ráo nước, cho vào lưới để rây mịn. Thế là chỉ cần đổ bột vào khuôn trên nồi nước sôi, sau vài phút một chiếc bánh ngon lành sẽ xuất hiện. Loại bánh này phải ăn cùng với muối mè, thêm ít dừa nạo, mới tạo được hương vị đúng chuẩn Khmer.

Bánh tét “Num Chruk”

Vào các dịp lễ hội, đặc biệt là ngày tết, đồng bào Khmer thường góp nguyên liệu như gạo nếp, đậu, thịt heo…để gói bánh tét. Phong tục này có nét tương đồng với người Việt. Người Khmer gói bánh tét bằng lá chuối, buộc chặt bằng lạt để khi luộc nước sẽ không thấm vào. 

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh tét – sự hòa quyện của nhiều hương vị

Bánh tét đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đây là vật cúng vào các dịp lễ hội Sen đôn ta, Tết Chol Chnam Thmay…để dâng lên các vị thần để tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra, bánh tét còn được dùng thay bữa ăn của người dân Khmer khi làm đồng áng, giúp họ no lâu có sức khỏe dẻo dai. 

Bánh tổ yến “Neng nóc”

Bánh tổ yến (neng nóc) là loại bánh nổi tiếng có nguồn gốc từ người Khmer. Tuy nhiên, họ lại ít lưu truyền vì nó khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian để thực hiện. Khâu rây bột là quan trọng nhất vì nếu bị vón cục, bánh sẽ không ngon.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh tổ yến nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ

Bánh được làm từ bột gạo, đường mè, mứt bí, mỡ (dầu ăn) và màu tự nhiên của lá dứa, nghệ, lá cẩm. Bột gạo được nhồi trước xong đập thành sợi. Sau đó, bột được rây lên chảo dầu nóng và định hình giống như tổ yến. Điểm lưu ý quan trọng là lửa hợp lý, nếu không bánh sẽ khét. Nhân bánh được xào trước với đường, mè rồi cho vào giữa bánh tổ yến. 

Bánh tổ yến ngon nhất khi ăn còn nóng. Theo lời kể của những người lớn tuổi, bánh tổ yến đã có từ lâu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer với hàm ý biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, đời sống gia đình ấm no. 

Bánh dừa “Kà-tum”

Bánh kà-tum có hình dạng giống lồng đèn, màu vàng nhạt, phía trên có nắp hình hoa xòe bốn cánh. Thông thường, bánh sẽ được người Khmer làm vào dịp lễ, tết để cúng ông bà.  

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh kà-tum như những ngọn đèn vàng tỏa sáng

Nguyên liệu làm bánh gồm nếp, dừa, đậu xanh, đậu trắng và chuối xiêm. Lá gói bánh là lá thốt nốt, góp phần tạo nên hương vị riêng biệt của món bánh này. Chế biến bánh kà-tum khá kỳ công vì người làm bánh phải trèo lên cây để hái lá mềm, đem ngâm muối, rửa sạch, phơi khô rọc ra từng miếng để đan thành hình vuông. 

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Những chiếc vỏ đựng bánh đều được đan bằng những đôi tay khéo léo

Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, nếp được trộn với nước cốt dừa cho vào chảo sơ qua, để nguội. Kế đến, đậu trắng được cho vào trộn cùng.  Hỗn hợp nếp được cho vào vỏ bánh, phần nhân được đặt vào giữa, phủ nếp xung quanh. Dùng muỗng nén chặt, gói lại rồi dùng lạt buộc bánh. Thời gian hấp bánh là hai giờ.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Bánh kà-tum được ưa chuộng vì hương vị khác lạ

Bánh ngon là khi lột phần da sáng bóng, dẻo không dính vào lá. Khi ăn hạt phải mềm mịn, không bị sượng và vừa khẩu vị. Tất cả mùi hương sẽ hòa quyện vào nhau và không lẫn với bất cứ loại bánh nào.

Bánh thốt nốt

Bánh bò thốt nốt là món bánh nổi tiếng nhất của người Khmer Nam bộ, được làm bằng trái thốt nốt già, bẻ xuống, chà vào rổ lấy bột.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Trái thốt nốt già được sử dụng làm bánh

Nước thốt nốt có màu vàng đẹp mắt được trộn với bột gạo, dừa nạo, cho vào lá gói (từ lá rừng, lá thốt nốt, nay có cả lá dừa). Bánh sẽ được đem hấp cho nở lên như một búp hoa bằng nắm tay, vị ngọt tinh khiết và mùi thơm đặc trưng của loại trái thốt nốt rất riêng biệt.

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips

Bánh ăn ngon nhất khi mới ra lò, cầm trên tay một chiếc bánh đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt béo của bánh tràn ngập miệng, mùi hương đặc trưng của thốt nốt xông tân mũi. 

7 loại bánh truyền thống của người Khmer Nam Bộ | Wanderlust Tips
Hương vị bánh bò thốt nốt làm say đắm lòng người

Từng chiếc bánh được người Khmer làm ra với sự sáng tạo. Nguyên liệu làm bánh đơn giản, dễ tìm nhưng mang đến hương vị khó quên, say đắm lòng người. Qua đó thể hiện được nền văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ.


Theo wanderlusttips.com

Bài viết liên quan

Translate »