Được xem là “phép lạ kinh tế ở châu Á”, ngành du lịch Myanmar đang có bước phát triển thần tốc với mức tăng trưởng hơn 170 lần lượng khách, trong đó có du khách Việt, chỉ trong vòng 6 năm sau mở cửa. Hãy cùng Lữ hành Sài Gòn Củ Chi khám phá 7 lý do hút khách đến xứ chùa vàng từ du lịch không cần visa, không có “chặt chém” du khách, đến chùa “lấp lánh” nhất thế giới, tượng Phật nằm lớn nhất thế giới, hòn đá thiêng chống lại trọng lực.
Du lịch không cần visa
Theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Myanmar có hiệu lực từ 26/10/2013, công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông còn giá trị ít nhất 6 tháng được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại lãnh thổ Myanmar với thời gian lưu trú không quá 14 ngày. Đây có thể coi là đặc quyền với du khách Việt Nam khi du lịch sang Myanmar hay bất cứ quốc gia nào thuộc Đông Nam Á đều chỉ cần hộ chiếu mà không cần phải chuẩn bị hồ sơ xin visa, đóng lệ phí visa… Bạn sẽ có 14 ngày để thỏa sức khám phá những điều huyền bí ở xứ sở chùa vàng mà không gặp bất cứ rào cản nào khiến bạn nản lòng.
Thiên đường không “chặt chém”
Myanmar vốn được biết đến là một trong những quốc gia có dịch vụ rẻ nhất thế giới. Ngay cả khi giá cơ sở lưu trú có nhỉnh nhẹ do sự thiếu hụt phòng và gia tăng đột ngột của lượng khách thì bạn vẫn có thể tìm nhà nghỉ hay khách sạn tiện lợi ở Myanmar với giá chỉ khoảng 350.000 đồng/ ngày.
Hơn 80% người dân theo đạo Phật với quan niệm cốt lõi là mọi người đều bình đẳng nên Myanmar không có khái niệm “giá cao cho khách du lịch”. Điều này đồng nghĩa với việc du khách Việt không phải lo sợ bị “chặt chém” khi vào nhà hàng dùng bữa, gọi phương tiện giao thông bởi một bữa ăn ở đây chỉ rẻ bằng một cái bánh mì phố cổ Hà Nội, một chuyến taxi 30 phút di chuyển nội đô chỉ mất 40.000 – 50.000 đồng.
Chùa “lấp lánh” nhất thế giới
Người Việt có tín ngưỡng đi lễ chùa cầu may, giải hạn dịp cuối năm và đầu xuân nên không khó hiểu khi Myanmar, nơi sở hữu kỳ quan của thế giới tôn giáo chùa vàng Shwedagon “lấp lánh” nhất thế giới, lại trở thành điểm hành hương hàng đầu của du khách Việt.
Tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara, quần thể chùa hơn 2.500 tuổi này được xem như công trình tôn giáo “lấp lánh” nhất thế giới nhờ 1 tháp xá lị cao 110m có đỉnh khảm 4531 viên kim cương, viên to nhất nặng 72 carat và 1.000 tháp nhỏ dát tới 21.000 lá vàng, nạm gần 8.000 viên kim cương, ruby, sapphire, các loại đá quý cùng 1.065 chiếc chuông nhỏ bằng vàng ròng. Tương truyền, chùa lưu giữ 8 sợi tóc thiêng của Đức Phật cùng 3 di vật của các vị Phật cổ khác gồm: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm và một mảnh áo của Phật Ca Diếp.
Hòn đá thiêng chống lại trọng lực
Chùa Hòn Đá Vàng ở thị trấn Kyaikhtiyo nằm chênh vênh trên một khối đá hình trứng cao đến 7,3m và chu vi 15,2 m, bề mặt dát vàng toàn bộ, trường tồn với thời gian dù diện tích tiếp xúc với sườn núi cao hơn 1.000m chỉ vỏn vẹn 78cm2. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân hòn đá thiêng này có thể chống lại được trọng lực trái đất để đứng vững trên đỉnh núi suốt hơn 2.600 năm.
Đối với nhiều Phật tử Myanmar, ngôi chùa chênh vênh nhất thế giới này là nơi linh thiêng khi lưu giữ một sợi tóc của Đức Phật. Họ thường đến đây áp đầu vào hòn đá thiêng, dát những lá vàng mỏng rồi nguyện cầu sức khỏe, bình an cho gia đình và người thân.
Tượng Phật nằm lớn nhất thế giới
Nằm ở chùa Chauk Htat Gyi tọa lạc phía bắc Yangon, pho tượng Phật nằm khổng lồ hơn 100 tuổi, dài gần 66m, cao 17m cùng điểm nhấn là đôi mắt thủy tinh, đầu đội mũ khảm đá quý và kim cương, gang bàn chân được khắc 108 biểu tượng tượng trưng cho sự tốt lành.
Dường như tượng Phật nằm lớn nhất thế giới này, tượng trưng cho lòng từ bi và thanh tịnh, có một uy lực mạnh mẽ khiến con người ta cảm thấy được an ủi, động viên để vượt qua mọi âu lo, khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Ngoài được viếng thăm ngôi chùa nổi tiếng này, du khách còn được tham quan một số ngôi chùa linh thiêng khác như: Kyaik Pun, Shwei Tha Lyaung, Shwei Mor Do, Kyat Kha Wine…
Mỹ phẩm tự chế độc đáo nhất thế giới
Suốt hơn 2.000 năm nay, người Myanmar còn duy trì một hình thức chăm sóc sắc đẹp truyền thống là sử dụng thanaka – một loại kem chiết xuất từ vỏ cây táo voi, có mùi hương tự nhiên ngọt ngào với tác dụng dưỡng da trị mụn, giảm các nếp nhăn và chống nắng. Khi chế biến bột thanaka, người ta sẽ cắt thân cây thành các khúc, mài lên phiến đá thấm nước rồi dùng bàn chải hoặc gạt để vẽ lên mặt những họa tiết bắt mắt như động vật, cỏ cây… Khi đến Myanmar, các nữ du khách Việt chắc chắn sẽ không khỏi bị mê hoặc bởi mỹ phẩm thiên nhiên, không tác dụng phụ này.
Chợ đá quý bày bán… như rau
Mua sắm là một trong các trải nghiệm yêu thích của du khách Việt khi đi du lịch và chắc chắn Myanmar, một trong quốc gia có nhiều đá quý nhất thế giới với chợ Bogyoke Aung San bày bán đá quý như… rau sẽ thỏa mãn đam mê ấy. Đá quý sau khi được khai thác tại các mỏ như Mogok – mỏ đá quý lớn nhất thế giới, qua chế tác sẽ được chở về tập trung tại các đầu nậu trên con phố Swe Bon Tha, rồi chuyển đến khu chợ đá quý lớn nhất Yangon với hơn 2.000 gian hàng lớn nhỏ này.
Chẳng những vô vàn chủng loại đá quý được chế tác tinh xảo như: thạch anh, mã não, cẩm thạch, ruby… trưng bày trong các tủ kính sáng choang hay chất thành đống với nhiều kiểu dáng chẳng có bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, du khách đến đây còn có thể đeo thử trang sức thoải mái trước những lời mời chào nhiệt tình và nụ cười thân thiện của dân địa phương. Đặc biệt, những người sành về đá khẳng định ở đây đều là đá quý thật mà giá chỉ bằng 1/10 thị trường, từ vài trăm đến vài chục nghìn Kyats (1 USD = 1364 kyats). Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc vòng tay đồng giá chỉ 500 kyats ở các sạp hàng hay chuỗi dây chuyền đá xanh đỏ không quá 5 USD.
Ngoài đá quý, ghé thăm chợ Bogyoke theo hành trình của Lữ hành Sài Gòn Củ Chi, bạn còn có thể tậu về những bức tranh sơn dầu, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, búp bê gỗ, đồ mây tre đan… làm quà cho người thân và bạn bè.
Bạn có thể quan tâm :
– 4 điểm đến phải đến vào mùa thu ở Nhật Bản