Làng Đinh Ốc Lĩnh (Trung Quốc) là điểm du lịch thu hút du khách bởi sự biến mất kỳ lạ của muỗi gần 1 thế kỷ dù được bao quanh bởi nhiều cây xanh và ao, hồ.
Nằm trên ngọn đồi của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ở độ cao 700 m so với mực nước biển, ngôi làng Đinh Ốc Lĩnh là nơi sinh sống của dân tộc thiểu số Khách Gia (Hakka). Dân tộc này sở hữu lịch sử và văn hóa phong phú được chứng minh bằng những ngôi nhà, bức tường bằng đá độc đáo.
Văn hóa và kiến trúc của ngôi làng đẹp như tranh vẽ dần bị lu mờ bởi bí ẩn hút khách hơn. Đó là sự vắng mặt của loài muỗi.
Được bao quanh bởi rừng cây tươi tốt, rải rác trong làng là các ao nước tù đọng, Đinh Ốc Lĩnh đáng lý sẽ có nhiều muỗi, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, những sinh vật hút máu nhỏ bé được cho là đã biến mất gần một thế kỷ qua. Hầu hết dân làng đều tin rằng hiện tượng này liên quan đến hòn đá hình con cóc mà một số người tôn thờ ở đây.
Hòn đá được cho là đại diện của Thần Cóc. Muỗi không xuất hiện bởi miệng cóc hướng về ngôi làng và ăn sạch chúng. Lời giải thích phổ biến khác được đưa ra gắn liền với thói quen thu gom rác thải của người dân địa phương và chôn nó trên sườn đồi gần ngôi làng. Một số người cho rằng điều này giúp nơi đây không còn muỗi.
Mọi lời giải thích đưa ra lý giải về hiện tượng muỗi biến mất đều không đủ căn cứ khoa học và sức thuyết phục. Do đó, người dân địa phương hy vọng các chuyên gia có thể sớm đưa ra câu trả lời cho bí ẩn này.
Sau 100 năm, lý do Đinh Ốc Lĩnh không có muỗi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, biến nơi đây trở thành một trong những ngôi làng bí ẩn nhất Trung Quốc. Vào năm 2016, khi tờ People’s Daily đưa tin về bí ẩn không có muỗi này, ngôi làng trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến.
Du khách tới đây hầu hết với mục đích kiểm chứng sự không tồn tại một cách kỳ lạ của muỗi trong ngôi làng. Ngoài ra, ngôi làng cũng là nơi để tận hưởng không gian trong lành, yên tĩnh, thanh bình.
Theo: Zingnews
Xem thêm bài viết :
– Đường ray xe lửa bỏ hoang phủ đầy cây xanh trở thành đường hầm lãng mạn
– Những cảnh đẹp có thể biến mất trên sông Dương Tử