Ngôi đền Kailasa (Ấn Độ) là tác phẩm điêu khắc đá đơn cổ nhất trên thế giới, nơi đây thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ và du khách bởi nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Ấn Độ nổi tiếng với nền văn hóa đa dạng, lịch sử đầy màu sắc và các công trình bí ẩn. Ngôi đền Kailasa, tác phẩm điêu khắc đá đơn cổ nhất trên thế giới, là một trong những nơi thu hút du khách trong nước và quốc tế nhiều nhất ở đất nước Nam Á này. Quần thể đền cũng là trọng tâm nghiên cứu của các nhà khảo cổ, vì họ vẫn chưa thể tìm thấy câu trả lời về cách xây dựng kiệt tác Kailasa bằng các phương pháp truyền thống cổ xưa.
Thuộc địa điểm khảo cổ Ellora (Di sản Thế giới của UNESCO), đền Kailasa là công trình điêu khắc đá lâu đời nhất và lớn nhất thế giới. Một trong những điều tạo nên sức hút của ngôi đền là bí ẩn về nguồn gốc, các nhà điêu khắc và xây dựng. Các chuyên gia khảo cổ vẫn đang gặp khó khăn, thậm chí trong việc xác định độ tuổi chính xác của đền, mặc dù có bằng chứng sử học cho rằng Kailasa được thực hiện dưới sự bảo trợ của quốc vương Rashtrakuta, Krishna I (756-774).
Lúc đầu, có ý kiến cho rằng ngôi đền được xây dựng chỉ trong 19 năm. Tuy nhiên, dựa trên vô số phong cách kiến trúc và điêu khắc riêng biệt, kết hợp với kích thước khổng lồ của ngôi đền, một số học giả tin rằng Kailasa được xây dựng qua nhiều thế kỷ.
Tại sân trong, một điện thờ trung tâm dành riêng cho thần Shiva. Điện thờ này được chạm khắc với các hốc, cửa sổ, cột, phòng bên trong và bên ngoài, hội trường, tượng các vị thần và một linga đá (đại diện cho Shiva) ở giữa.
Ngôi đền đá có hình dạng chữ U. Tại phía trên, những tượng voi là điểm chỉ đường xuống. Ở dưới cùng của tòa nhà chính, một đội quân voi đá khổng lồ trấn giữ. Những con voi bao quanh cây cột cao 30 m dường như đóng vai trò là công trình chính trong quần thể.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng số giờ làm việc và số lượng người nỗ lực xây dựng, các chuyên gia kết luận khối lượng công việc để thực hiện ngôi đền là rất lớn. Họ cho rằng cần hơn 7.000 lao động để hoàn thành dự án. Những người công nhân này làm việc khoảng 18 giờ mỗi ngày. Vì không có điện, họ sử dụng gương để phản chiếu ánh sáng bên trong hang. Các chuyên gia ước tính sẽ mất khoảng 200 ngày, làm việc 24 giờ mỗi ngày, để thực hiện toàn bộ ngôi đền bằng công nghệ đương đại. Điều đó thậm chí không tính đến các chi tiết chạm khắc phức tạp trên cấu trúc nguyên khối này.
Ngôi đền Kailasa là bí ẩn lớn, chứa đựng nhiều vấn đề khôn lường bên trong. Các nhà khảo cổ ước tính có hơn 30 triệu bức chạm khắc tiếng Phạn vẫn chưa được dịch.
Một câu chuyện thú vị về ngôi đền kể rằng vua Mughal Aurangzeb, người đã phá hủy hàng nghìn ngôi đền Hindu, cũng cố gắng phá hủy Kailasa. 1.000 người đã được gửi đến để đập phá ngôi đền vào năm 1682. Họ đã làm việc trong 3 năm nhưng chỉ có thể phá vỡ và làm biến dạng một vài bức tượng. Cuối cùng Mughal Aurangzeb từ bỏ nhiệm vụ này vì nhận ra rằng không thể phá hủy hoàn toàn ngôi đền.
Theo: Zingnews
Xem thêm bài viết :
– Sơn Đoòng được vinh danh là điểm đến phá vỡ kỷ lục thế giới tự nhiên
– Tượng thiếu nữ ngủ thay đổi diện mạo qua các mùa
– 10 điểm du lịch ngắm các loài động thực vật lớn nhất Trái Đất
– Cuộc đời chú chó đại sứ du lịch Nhật Bản vừa ra đi ở tuổi 13