Nhiều địa điểm trên khắp thế giới nổi tiếng với các bức ảnh đẹp mê hoặc như ảo ảnh thị giác. Tuy nhiên, thực tế, du khách không phải lúc nào cũng chiêm ngưỡng vẻ đẹp như kỳ vọng.
Nằm trong công viên Namib – Naukluft ở Namibia, Deadvlei là chảo đất sét trắng với hàng trăm cây keo chết khô rải rác trong khu vực. Khi Mặt Trời chiếu xuống cồn cát lúc bình minh, khung cảnh Deadvlei đẹp huyền ảo như một bức tranh vẽ. Tuy nhiên, khi thay đổi ánh sáng và góc chụp, nơi đây không khác các sa mạc khô cằn bình thường.
Tại The Wave ở Arizona, Mỹ, các khối núi đá sa thạch trông rất có chiều sâu và bề mặt tựa như chuyển động không ngừng, nhưng không phải khối đá nào cũng tạo ra hiệu ứng ảo ảnh. Mặc dù vậy, vẻ đẹp địa chất của The Wave có sức hút lớn với du khách. Để bảo vệ kỳ quan thiên nhiên này, chỉ 20 người được phép tham quan mỗi ngày.
Từ góc chụp chính diện, cây cầu Rakotzbrucke ở Đức được phản chiếu dưới hồ nước tạo thành một vòng tròn hoàn hảo, khiến khung cảnh trở nên đẹp đẽ tựa xứ thần tiên. Cũng chính tại cây cầu nhưng tại một góc chụp khác, bạn sẽ không thấy vòng tròn nào cả và Rakotzbrucke chẳng khác gì so với những cây cầu bình thường.
Salar de Uyuni ở Bolivia là cánh đồng muối lớn nhất thế giới. Bãi muối trắng tinh khôi trải ngút ngàn là khung cảnh hoàn hảo để tạo ra ảo ảnh quang học. Khách du lịch thường đặt đồ chơi hoặc các vật dụng hàng ngày khác ở phía trước và tạo dáng đằng sau. Với góc chụp từ xa, bức ảnh trở nên thú vị với con người trông lùn hơn các đồ vật này. Mặt khác, sa mạc muối cũng là một trong những mỏ lithium lớn với 15% trữ lượng thế giới, theo Khảo sát Địa chất Mỹ. Nơi đây có một nhà máy lithium hoạt động tại chỗ. Những máy ủi và đống muối cao che khuất đường chân trời thẳng tắp của Salar de Uyuni.
Tháp nghiêng Pisa có độ nghiêng khoảng 3.99 độ là biểu tượng du lịch của đất nước Italy. Các du khách tới đây thường chụp tại góc nghiêng để trông như mình đang đỡ lấy cả tòa tháp. Cùng một không gian, thay đổi góc chụp, bạn sẽ nhìn thấy cả hàng dài người cũng tạo dáng đỡ tháp tương tự nhau.
Vào khoảng tuần thứ 2 của tháng 2 hàng năm, khi Mặt Trời chiếu xuống thác nước Horsetail ở vườn quốc gia Yosemite, Mỹ, một góc thích hợp sẽ khiến mặt nước ánh lên màu cam đỏ, nhìn như dung nham núi lửa phun trào. Ngoài khoảng thời gian đó, khi không có hiệu ứng đặc biệt của ánh sáng Mặt Trời, không có ảo ảnh thị giác, thác Horsetail lại trở về bình thường như những thác nước khác trong tự nhiên.
ừ trên cao nhìn xuống, bờ biển ở đảo Mauritius ngoài khơi Ấn Độ Dương như có một thác nước chìm giữa mặt biển. Tuy nhiên, khi nhìn từ bờ biển, bạn sẽ chẳng thấy bất kỳ loại ảo ảnh thị giác nào tương tự như thế.
Theo: Zingnews
Bạn có thể quan tâm :
– Lịch sử dài những điều bí ẩn của Tam giác quỷ Bermuda
– Ngôi làng bị chôn vùi trong bão cát, bỏ hoang không rõ lý do