Chùa Thiên Hậu là một điểm du lịch nổi tiếng thuộc khu người gốc Hoa ở Malaysia, tọa lạc trên đồi Robson giữa thủ đô Kuala Lumpur. Ngôi chùa có diện tích 6.760 m2, là công trình tâm linh thờ cúng Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á. Chùa được khánh thành vào 3/9/1989 sau hai năm xây dựng.
Thánh mẫu Thiên Hậu, hay nữ thần biển Ma Tổ (Mazu), là một vị thần linh thiêng trong tín ngưỡng của người Trung Quốc. Theo truyền thuyết, nữ thần tiền thân là một cô gái tên Lâm Mặc (ở cảng Tây An, tỉnh Phúc Kiến) có khả năng tiên tri thời tiết giúp đỡ ngư dân. Đặc biệt, cô đã xuất hồn bay đến giữa biển khơi cách nhà hàng trăm cây số để cứu cha và anh trai trong cơn bão, nhưng người cha không qua khỏi. Sống trong đau buồn, khi 28 tuổi, Lâm Mặc rời xa trần thế khi đang ngủ. Từ đó, để tỏ lòng tôn kính người dân địa phương đã thờ cúng cô thành thần và cầu xin trợ giúp khi đi trên sông nước hoặc đi xa bằng đường biển.
Chùa Thiên Hậu ở Kuala Lumpur do cộng đồng người dân đảo Hải Nam di cư đến đây xây dựng và quản lý. Chùa được xây theo lối kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Cấu trúc mái vòm uốn cong vút và ngói xếp kiểu âm dương mang nhiều nét tương đồng với các chùa của người gốc Hoa ở Việt Nam cũng như trong khu vực châu Á.
Các họa tiết trang trí của công trình có nhiều màu sắc sặc sỡ. Đỏ, vàng là màu chủ đạo xuất hiện nhiều nhất ở các cột trụ, kèo ngang, mái ngói. Một số chi tiết chạm khắc tinh xảo như tấm phù điêu giữa lối đi, thanh diềm dưới được sơn màu nổi bật.
Đặc biệt, ngôi chùa thu hút du khách bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ rực treo san sát trong khuôn viên. Vào các dịp lễ lớn Phật Đản, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán… chùa càng được trang hoàng lộng lẫy.
Khung cảnh nhìn xuống từ tầng thứ 4 của chùa. Du khách nên ở lại chùa khi trời tối, lồng đèn được thắp sáng rực.
Do nằm trên đồi cao, nơi đây cũng là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp được nhiều nhiếp ảnh gia săn đón. Thời gian mặt trời lặn trong khoảng 19h – 20h (giờ địa phương).
Khách viếng chùa có thể xin quẻ rồi nhờ người làm việc tại chùa dịch ra tiếng Anh. Bên cạnh việc thờ cúng, chùa còn cung cấp dịch vụ bói toán, đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới cùng một số hoạt động như lớp võ cổ truyền, khí công, thái cực quyền… Thời gian mở cửa ở chùa từ 8h đến 22h mỗi ngày.
Người địa phương thường cúng dường các loại hoa quả mang ý nghĩa may mắn như táo – bình an, quýt – may mắn, dứa – dư giả…
Mỗi ngày, cả trăm giỏ hoa tươi nhiều màu sắc ghi tên người tặng được lưu giữ tại chùa. Người viếng chùa cúng tặng hoa để thể hiện lòng thành kính, mong mang lại may mắn cho bản thân.
Hiện chùa chưa có quy định cụ thể về trang phục của khách đến thăm viếng. Nhiều du khách địa phương và nước ngoài vẫn mặc quần ngắn trên đầu gối, áo hở vai, đến thực hiện các nghi thức cúng bái. Chính điện không cho phép thắp nhang, ai muốn làm lễ sẽ thắp ở ngoài với tối đa 4 que nhang một người. Du khách có thể đến đây bằng taxi từ ga tàu LRT Bangsar hoặc KL Sentral. Từ ga tàu gần nhất đến chùa mất khoảng 30 phút đi bộ và 15 phút bằng ôtô.
Bạn có thể quan tâm :
– Ngôi làng ở Na Uy có tên gọi gồm 1 ký tự
– Bờ biển cát đen lạ thường thu hút du khách check-in ở Hy Lạp