Tháp Nhạn – cái tên quá đỗi quen thuộc với dân du lịch và cũng là biểu tượng của Phú Yên, để bất kỳ ai ghé thăm vùng đất này cũng phải check-in ngay. Vậy bạn có biết vì sao tháp Nhạn lại trở thành “cơn sốt” như thế không? Nếu chưa thì cùng chúng mình tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Nguồn gốc của tháp Nhạn
Tháp Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà của thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và được xây dựng từ cuối thế kỷ XI – XII trên đỉnh núi Nhạn. Theo tương truyền, ngọn núi này trước đây là nơi sinh sống của loài chim Nhạn, loài chim nhỏ nhưng có thể bay với độ cao hơn 600 mét.
Tháp Nhạn cao 23.5 mét, có bình đồ hình vuông và hướng về phía Đông – phía của mặt trời, của sự sinh sôi nảy nở. Đến năm 1988, tháp Nhạn đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đây là “Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia”.
Cùng khám phá Tháp Nhạn – Phú Yên
Khu vực tòa tháp được quy hoạch trong khuôn viên 1000 mét vuông. Tháp Nhạn được xây dựng theo tỷ lệ cân đối 3 phần: đế, thân và mái. Đặc điểm của các phần là đều bằng nhau, có phong cách giống nhau và khi càng lên cao sẽ càng nhỏ lại.
Phần thân được xây rất đồ sộ với một màu nâu đỏ rực rỡ. Phần nóc tháp có nhiều lớp xếp tầng và có hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc tỉ mỉ trên đỉnh tháp. Tiếp đến, phần chân tháp Nhạn được ốp đá sa gạch nên rất sạch sẽ và gọn gàng. Vào buổi tối, khi ánh đèn dưới chân tháp chiếu lên, bạn sẽ thấy cả tòa tháp chói sáng hẳn một góc trời, vô cùng rực rỡ và lung linh.
Trong lòng tháp rộng khoảng 25 mét vuông. Vì lối xây dựng theo kiểu càng lên cao càng nhỏ dần nên nếu đứng từ bên trong nhìn lên, bạn sẽ thấy không gian vừa cao rộng lại vừa huyền bí. 3 mặt của tháp Nhạn – Phú Yên đều được trang trí hoa văn gắn liền với những ý niệm tôn giáo xa xưa.
Vào bên trong tháp, có thể bạn sẽ thấy khá bất ngờ vì không có tượng hay bất kỳ bàn thờ nào cả, có duy nhất một am nhỏ để nhang khói thường ngày cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi. Thế nhưng, người dân ở đây vào mỗi dịp lễ tết hay các ngày rằm, mùng 1 đều đến thắp nhang và cùng cầu nguyện cho cuộc sống bình an. Nếu du lịch Phú Yên đúng dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ hội vía Bà (hay còn gọi là lễ hội tháp Nhạn) – Tạ ơn Mẹ Xứ sở – vị thần đã dạy người dân làm nông, dệt và che chở mọi người khỏi thiên tai.
Hướng dẫn di chuyển đến tháp Nhạn
Để lên tháp Nhạn, có 2 con đường bạn có thể lựa chọn là đường bậc thang hoặc đường nhựa. Tuy đường lên tháp hơi dốc, quanh co nhưng cũng khá dễ tìm, dễ đi. Nếu bạn đi từ trung tâm thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), ví dụ từ ga xe lửa, bạn chỉ cần đi thẳng từ đường Lê Trung Kiên qua ngã tư Tản Đà rồi rẽ trái, đi thêm một xíu nữa là đến tháp Nhạn.
Những điểm check-in khác ở Phú Yên
Ngoài tháp Nhạn, Phú Yên còn có những điểm check-in tuyệt đẹp khác mà bạn có thể tham khảo như:
– Ghềnh Đá Dĩa
Ghềnh Đá Dĩa là địa danh không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế quan tâm đến bởi vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Phải đến tận nơi, ngắm nhìn tận mắt thì bạn mới thấy hết được sự kỳ diệu của nơi này. Sóng biển ở Gành đá đĩa mạnh lạ kỳ, tạo nên từng lớp bọt trắng xóa nhấp nhô để bạn vui đùa.
– Bãi Xép
Bạn có từng ngẩn ngơ trước những phân cảnh đẹp như thơ trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không? Vậy thì đừng bỏ qua bãi Xép – một bốt cảnh của phim, trong hành trình khám phá Phú Yên của mình nhé. Nơi này mang một vẻ đẹp vừa hoang dã, vừa dịu hiền.
Phú Yên quanh năm thời tiết dễ chịu, không oi ả và nắng gắt như miền Bắc nên bạn đến vào thời điểm nào cũng rất tuyệt. Đừng quên ghé thăm tháp Nhạn để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di tích nghệ thuật này nhé! Chúc bạn có chuyến khám phá thành phố nhỏ xinh này thật vui vẻ.
Bạn có thể quan tâm :
– Top món ngon Phú Yên bạn nhất định phải thử
– Khám phá hết Phú Yên trọn vẹn trong 2 ngày