Ở những vùng không chịu ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng và hội tụ đủ yếu tố cần thiết, bạn hoàn toàn có thể ngắm nhìn dải ngân hà đẹp kỳ ảo.
Chiêm ngưỡng ngân hà không phải điều quá khó ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bạn ở thành phố, đây lại là vấn đề gần như không tưởng. Con người có thể ngắm nhìn ngân hà ở các vùng ít ô nhiễm ánh sáng như nông thôn, rừng núi. Trong ảnh, dải ngân hà được chụp tại Sa Pa (Lào Cai).
Bạn hoàn toàn có thể ngắm nhìn dải ngân hà bằng mắt thường trong điều kiện không bị ô nhiễm ánh sáng, trời quang mây… Tuy nhiên, để lưu lại trọn vẹn khoảnh khắc kỳ ảo này, thiết bị tốt là điều tiên quyết. Các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm chụp dải ngân hà cho biết họ ưu tiên những dòng máy khử noise (nhiễu) tốt và sử dụng ống kính góc rộng. Trong ảnh, dải ngân hà được chụp ở Mù Cang Chải (Yên Bái), sử dụng chế độ phơi sáng.
Một trong những cách chọn góc hình đẹp khi chụp ngân hà thường được các nhiếp ảnh gia lựa chọn là tìm chủ thể “cô đơn”. Với sự kết hợp của ống kính góc rộng, chủ thể sẽ trông bơ vơ giữa cả bầu trời rộng lớn. Các ống kính mắt cá cũng thường được nhiếp ảnh gia lựa chọn khi săn ngân hà.
Trước kia, ngân hà được xem như dòng sữa của nữ thần Hera tuôn chảy trên bầu trời do sức hút từ Hercules. Do đó, nó được gọi là milky way (tạm dịch: con đường sữa). Những người am hiểu thiên văn có thể xác định được vị trí của dải ngân hà. Tuy nhiên, việc xác định thời gian ngân hà xuất hiện không phải điều đơn giản. Vì vậy, bạn cần những phần mềm tính toán thời gian và vị trí dải ngân hà xuất hiện để buổi “đi săn” thuận lợi. Trong ảnh, dải ngân hà chụp ở thạch bàn, khu vực Hang Rái (Ninh Thuận).
Tác phẩm “Lạc lối giữa trời sao” được nhiếp ảnh gia Korawee Ratchapakdee thực hiện. Anh sử dụng Nikon D850, khẩu độ f2.8, phơi sáng 30 giây và tiêu cự 15 mm.
Bức ảnh được chụp ở một khách sạn thuộc huyện Hòa Ninh, Đà Nẵng. Dải ngân hà không tạo thành một vệt dài trên bầu trời do bố cục khung hình và điều kiện sáng chưa tốt.
Tác giả ảnh chia sẻ đã chụp bức hình ở một đồi cát gần Huế. Đây là điểm tuyệt vời để thưởng thức “dải lụa trời” khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết về điều kiện tự nhiên. Tùy vào cách hậu kỳ, bức ảnh của mỗi nhiếp ảnh gia lại mang những màu sắc khác nhau. Dù vậy, sự kỳ ảo của dải ngân hà chưa qua chỉnh sửa cũng đủ khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Ở Việt Nam, thời điểm chụp dải ngân hà đẹp nhất là từ tháng 3 tới hết hè (miền Trung). Miền Nam và Bắc thì chọn thời điểm không mưa, trời quang. Các nhiếp ảnh gia hay tránh ngày rằm để không bị dính trăng. Những điểm săn ngân hà đẹp nhất Việt Nam gồm Mù Cang Chải, Ninh Thuận, hải đăng Kê Gà (Bình Thuận), bến đò Trị An (Đồng Nai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Theo: Zingnews
Xem thêm bài viết :
– 6 điểm chèo kayak view đẹp dọc Việt Nam
– Làng nghề truyền thống hút khách ở Bình Định
– Cảnh đẹp mê hồn của Việt Nam nhìn từ trên cao
– Chùa cổ ở Bình Thuận lưu giữ bộ kinh khắc gỗ độc nhất Việt Nam