Dải đất hình chữ S có những cung đường đèo hiểm trở mà bất cứ phượt thủ nào cũng mong một lần chinh phục.
Đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu)
Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh đèo giáp giữa 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đây là cung đường đèo dài nhất Việt Nam với độ dài 50 km, nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Thành quả khi chinh phục đỉnh đèo là bạn có cơ hội chiêm ngưỡng tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng hùng vĩ trong vẻ huyền ảo của sương mù giăng lối thu trọn vào tầm mắt.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang)
Với độ dài 20 km, nơi đây được mệnh danh là cung đường nguy hiểm bậc nhất các tỉnh phía Bắc. Cung đường dài 20 km này được làm trong 6 năm (1959-1965). Đường đèo uốn khúc quanh co, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế tạo nên bức tranh tuyệt sắc giữa thiên nhiên.
Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
Nằm ở độ cao từ 1.200-1.500 m so với mực nước biển, tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng. Khau Phạ đẹp nhất vào tầm tháng 9-10, khi lúa đã chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, cũng chính là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh.
Đèo Mã Phục (Cao Bằng)
Sở dĩ đèo có tên như vậy bởi hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đây là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Tới đây vào mùa xuân, bạn sẽ được nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch và khi hè tới là những ruộng ngô xanh rì.
Đèo Hải Vân
Được ví như “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, đèo Hải Vân (Thừa Thiên Huế) nằm trên dãy núi Bạch Mã và là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Có chiều dài 21 km, nơi cao nhất của đèo có độ cao gần 500 m và là cung đèo nổi tiếng hiểm trở bậc nhất, song đèo Hải Vân vẫn luôn thu hút những tín đồ xê dịch tới đây khám phá.
Đèo Ngoạn Mục
Đèo Ngoạn Mục dài trên 20 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ, là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Nằm trên quốc lộ từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đi Đà Lạt, đèo có độ cao trong khoảng 200m ở điểm thấp nhất và lên tới 980 m ở đỉnh đèo. Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó
Đèo Phượng Hoàng
Đèo Phượng Hoàng dài khoảng 12km, thuộc địa phận huyện M’Drăk và là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đèo Phượng Hoàng là địa danh một thời từng được ví là đèo tử thần vì vị trí địa lý cũng như những nguy hiểm luôn rình rập lữ khách đi ngang nơi này. Không chỉ là đường núi quanh co, gấp khúc, “cánh chim” Phượng Hoàng này đã từng một thời là hang ổ của quân phỉ người Tây Nguyên khiến bao người phải e dè. Tuy nhiên hiện tại, con đèo đã được mở rộng, cảnh đẹp, thu hút nhiều tay phượt muốn ngắm nhìn vẻ đẹp hoang dã nơi đây.