Mạng bán tour trực tuyến số 1 tại Việt Nam | Du lịch Travelsgcc

Avatar of Admin

Admin

Cẩm nang du lịch - 26/10/2023 - 932 Lượt xem

Những đặc sản thu hút du khách khi đến Quy Nhơn

Bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa, tré, nem chợ Huyện hay bánh hồng… là những món ngon du khách thường chọn làm quà tặng người thân khi du lịch phố biển. 

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân “xứ nẫu”, sử dụng nhiều trong những ngày giỗ, lễ như cưới hỏi. Bánh ít lá gai Bình Định dẻo, thơm, ăn không dính răng, là sự hòa quyện của đường cát, bột nếp, đậu xanh, dừa và gừng. Bánh thường bọc bên ngoài bằng lá chuối, gói thành hình tam giác cân đều đặn, trông đẹp mắt. 

Trong năm 2019, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Tổ chức kỷ lục Việt Nam đề cử ba đặc sản của địa phương gồm bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa và nước mắm Đề Gi tham gia hành trình tìm kiếm và quảng bá đặc sản Việt Nam. Trong đó, bánh ít đang được tỉnh này đăng ký nhãn hiệu tập thể và xây dựng thành thương hiệu “Bánh ít lá gai Bình Định”.

Bánh tráng nước dừa

Bình Định có nhiều nơi làm bánh tráng nước dừa, song Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) là địa phương làm bánh tráng nước dừa ngon có tiếng. Bánh tráng Tam Quan có kích thước to, dày, gồm bột gạo xay trộn với nước cốt dừa, dừa nạo, mè, tiêu, hành tím và muối hạt, sau đó tráng trên khuôn to, xong đem phơi dưới nắng. Các lò bánh thường xếp bánh tráng sau khi đã phơi khô và cột thành từng chồng 20 cái để tiện cho việc vận chuyển đi xa.

Những đặc sản thu hút du khách khi đến Quy Nhơn

Vì bánh dày, kích thước to nên không thể nhúng nước ăn mà phải nướng kỹ trên lửa than, trở liên tục để bánh giòn đều. Bánh gặp lửa sẽ phồng lên, vàng ươm, thơm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè và nước dừa. Bánh có thể ăn không hoặc chấm cùng nước tương hay nước mắm gừng. 

Tré

Trong các cửa tiệm dọc đoạn Quốc lộ 1A ngang qua Bình Định thường treo lủng lẳng những bó rạ nhỏ xíu, gây tò mò và ngạc nhiên cho khách lạ đi đường. Tuy nhiên, với người dân địa phương, đó chính là món đặc sản có tên gọi là tré.

Nguyên liệu làm tré gồm thịt tai, đầu heo, ba chỉ cùng nhiều gia vị như riềng, mè, thính, ớt, tỏi… Tất cả nguyên liệu được trộn lẫn vào nhau, gói lại trong lớp lá ổi non và lá chuối, cuốn thật chặt tay, sau đó bọc bên ngoài bằng lớp rơm dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Nhờ cách gói công phu này, tré có thể để được lâu trong nhiều ngày mà không bị hư. 

Những đặc sản thu hút du khách khi đến Quy Nhơn

Tré dùng như món khai vị trong các bữa tiệc, trên bàn thờ gia tiên hoặc trong bữa nhậu hàng ngày của dân địa phương. Món ăn có vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và thơm nhẹ mùi rơm mới. Người ăn chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài là có thể ăn ngay hoặc đánh tơi các miếng thịt bên trong, cuốn bánh tráng và rau sống cùng đồ chua, chấm nước mắm tỏi ớt hoặc mắm nêm.

Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện (Tuy Phước, Bình Định) có vị dai sần sật, chua giòn. Nem ngon do cách chế biến và từ nguồn thịt heo được nuôi dân dã. Ngoài ăn tươi, người ăn cũng có thể đem nướng nem trên than, ăn kèm với bánh tráng, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế cắt nhỏ, dưa leo, nước chấm, tỏi và ớt. Nem ngon hơn khi ăn cùng nước mắm loãng pha với lạc giã nhỏ, thêm đường và tỏi, ớt tạo nên chén nước chấm sánh sệt, đặc trưng.

Bánh hồng

Bánh hồng là loại bánh được làm từ bột nếp, đường và dừa sợi. Quy trình làm bánh hồng cũng lắm công phu. Nếp sau khi xay thành nước sẽ đem ép ráo, lấy phần bột nhồi thành cục nhỏ và luộc chín. Đường được thắng cho nóng chảy, sau đó cho phần bột đã chín vào chảo đường cùng dừa bào sợi, khuấy nhanh để đường, bột tan vào nhau. Khi bánh đã tỏa mùi thơm, vớt bánh ra và lăn vào lớp bột khô, dần bánh dày khoảng 3-4 cm. Khi ăn, dùng dao bén cắt bánh hồng thành từng miếng hình thoi, uống cùng trà nóng.

Những đặc sản thu hút du khách khi đến Quy Nhơn

Bánh hồng thường có màu trắng đục của nếp và đường. Người ta cho thêm màu thực phẩm để bánh có màu hồng hoặc xanh. Loại bánh này chỉ bảo quản được khoảng 5 ngày sau khi sản xuất.

Rượu Bàu Đá

Rượu Bàu Đá có nồng độ cao (từ 50-54 độ), uống nhanh say nhưng không nhức đầu. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, tỷ lệ men, dụng cụ nấu và kinh nghiệm gia truyền. Rượu khi nấu phải dùng nồi đồng, nắp đậy bằng đất nung, cất rượu bằng ống tre, chưng lửa nhỏ mới vắt cạn được tinh chất gạo. Rượu Bàu Đá là một trong số đặc sản được nhiều người tìm mua khi đến Bình Định. 

Ngoài ra, Bình Định còn nhiều đặc sản du khách có thể mua về làm quà tặng người thân như mực rim tỏi ớt, bánh in, bánh cốm nếp dẻo, mắm…

Theo: Vnexpress

 

Xem thêm bài viết :

Vẻ đẹp mùa lưới vây Hòn Yến

Khám phá hết Quy Nhơn trọn vẹn trong 3 ngày

Vi vu loạt điểm đến đẹp quên lối về ở xứ Nẫu Phú Yên

Sống ảo với 4 quán cà phê view biển ở Quy Nhơn

Thẻ:, ,

Bài viết liên quan

Translate »