Các sự kiện lễ hội thường niên được tái khởi động sau khoảng thời gian tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết, Lễ hội Áo dài dự kiến sẽ được tổ chức lại vào tháng 7. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch, vẫn phải chờ sự chấp thuận của UBND TP. Lễ hội dự kiến diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ TP, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng áo dài, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bưu điện TP, chợ Bến Thành, sân bay Tân Sơn Nhất.
Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Sở Du lịch TP HCM đã đề xuất dời thời gian tổ chức từ tháng 3 sang tháng 4/2020. Tuy nhiên, sau đó cả nước thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, nên lễ hội tiếp tục bị hoãn đến nay.
Lễ hội Áo dài TP HCM là một trong những hoạt động diễn ra vào tháng 3 hàng năm, dần trở thành một sự kiện văn hóa – sản phẩm du lịch đặc trưng của TP với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Ảnh: Hữu Long.
TP Đà Nẵng giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020”, dự kiến tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9/2020 tại các bãi biển, trung tâm thành phố và các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Đây là sự kiện được nâng cấp từ lễ hội thường niên “Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè”, mục đích tạo hoạt động kích cầu du lịch thành phố sau khi Covid-19 được kiểm soát; đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến Đà Nẵng đến khách du lịch hậu dịch bệnh. Tuy nhiên, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, lễ hội có diễn ra hay không còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh nCoV.
Tại Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, trong chuỗi sự kiện Festival Huế 2020 dự kiến tổ chức cuối tháng 8 năm nay sẽ có thêm “Ngày hội Áo dài Huế”.
“Đây là một chuỗi sự kiện, bao gồm hội thảo, trưng bày, những hoạt động trình diễn thời trang… nhằm mục đích nâng cao giá trị của Lễ hội Áo dài đang có, gắn liền với phát triển kinh tế. Tức làm thế nào để những người đang kinh doanh trong lĩnh vực áo dài có cơ hội phát triển tài năng, kỹ năng cũng như kinh doanh”, ông Phúc nói.
Mục tiêu của “Ngày hội Áo dài Huế” là nhằm đổi mới hoạt động Festival Huế theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, quảng bá và biểu diễn mang tính cộng đồng, tạo thêm điểm nhấn. Ông Phúc cho biết thêm, ngày hội phải tôn vinh và đa dạng hóa áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là kinh đô của áo dài của Việt Nam; làm sao khi nói đến may đo áo dài người ta nghĩ ngay đến Huế và đến Huế để may sắm áo dài.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất dời thời gian tổ chức Festival Huế 2020 vào khoảng từ ngày 28/8 – 2/9 thay vì tháng 4 như dự kiến do ảnh hưởng của Covid-19. “Tuy nhiên, về quy mô chúng tôi đang phải tính. Vì lễ hội có tính chất đông người nên nghiên cứu thêm về hình thức tổ chức sao cho phù hợp với tình hình của dịch bệnh”, ông Phúc nói thêm.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL đề nghị không tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Ninh Bình do không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo: Vnexpress
Bạn có thể quan tâm :
– Những địa danh rồng nổi tiếng tại Việt Nam
– Những con đường xuyên biển độc đáo ở Việt Nam
– Chiêm ngưỡng 4 cánh đồng quạt gió đẹp ngỡ ngàng trên đất Việt