Hallstatt, ngôi làng đẹp nhất thế giới của Áo, có bản sao trị giá gần 1 tỷ USD là khu nhà ở cao cấp tại đất nước tỷ dân.
Sao chép các danh thắng không còn là một ý tưởng mới: Las Vegas nhân bản vô số tháp Eiffel và tượng Nhân sư, còn Trung Quốc từ lâu nổi tiếng sở hữu bản sao của những kỳ quan trên thế giới. Tuy nhiên, “đưa” cả một ngôi làng về nước là điều ở “tầm cao” khác.
Làng Hallstatt, nơi UNESCO công nhận là di sản thế giới, vốn được coi là một trong những địa danh quyến rũ nhất của Áo, một thị trấn nên thơ nằm dưới chân dãy núi Alps, bao quanh là hồ nước như tráng gương… Cho đến thế kỷ 19, Hallstatt là nơi người dân chỉ có thể đi bộ hoặc chèo thuyền đến, tức là ngôi làng tuyệt đẹp này hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Bởi làng chỉ có 900 cư dân sinh sống, người ngoài khó có thể sở hữu một căn nhà tại đây. Đó là một trong những lý do bản sao của Hallstatt ra đời như một phần của dự án nhà ở cao cấp tại Trung Quốc.
Hallstatt phiên bản Trung Quốc khởi công vào năm 2012, tại huyện Boluo, tỉnh Quảng Đông, với nhà thờ, tháp chuông, quảng trường họp chợ, thắng cảnh sao y bản chính. Toàn bộ dự án ước tính trị giá khoảng 940 triệu USD. Chủ đầu tư kỳ vọng nơi này sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và người dân tới định cư.
“Tôi đưa con đến đây ngắm cảnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua một ngôi nhà ở đây, vì Boluo khá xa nơi này”, một du khách họ Zeng cho hay. Boluo, thị trấn gần nhất, cách bản sao Hallstatt khoảng 3 km theo đường chim bay.
“Khoảnh khắc đặt chân đến đây, tôi có cảm giác như đang ở châu Âu. Những nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đẹp. Mọi căn nhà đều được xây theo châu Âu”, Zhu Bin, một du khách đến từ thành phố Huệ Châu, Quảng Đông, cho hay.
Hàng ngày nơi này vẫn đón nườm nượp khách du lịch đến tham quan. “Người Trung Quốc thích thú với kiến trúc châu Âu, bởi không dễ gì đến đó du lịch. Đó là lý do họ đón nhận những ý tưởng điên rồ như sao chép các thị trấn thế này”, Kinga Nieroda, một họa sĩ người Ba Lan chuyên vẽ chân dung du khách trong thị trấn, nói.
Pamela Binder, đại diện cơ quan du lịch của Hallstatt, cho biết ngôi làng giữ hòa khí với bản sao tại Trung Quốc. “Ban đầu chúng tôi lo lắng một chút, vì nghĩ tại sao họ lại sao chép Hallstatt. Nhưng sau đó chúng tôi cảm thấy thật may mắn và tự hào”, Pamela nói.
Trước đó, Hallstatt đón chưa đến 50 khách Trung Quốc vào năm 2005, nhưng những năm gần đây hàng nghìn người đến ngôi làng này, theo giới chức của một cơ quan đại diện của Áo tại Trung Quốc.
Nhưng không phải người dân nào của Hallstatt cũng đồng tình với ý tưởng sao chép ngôi làng. “Tôi không nghĩ đó là ý hay. Hallstatt độc đáo nhờ văn hóa và những truyền thống. Bạn không thể sao chép điều đó. Tôi đã thấy những tấm ảnh, và chúng khác với thực tế. Theo tôi, đó là điều không thể chấp nhận”, Karin Höll, một người địa phương, bày tỏ.
Theo: Vnexpress
Xem thêm bài viết :
– Vùng đất được mệnh danh Tây Lương Nữ Quốc
– Vì sao núi Phú Sĩ là biểu tượng nước Nhật